Nguyên nhân Cá_chết_hàng_loạt_ở_Việt_Nam_năm_2016

  • Theo thông báo Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản 1 - Bộ NN&PTNT) vào ngày 17 tháng 4 năm 2016, nguyên nhân hiện tượng cá chết hàng loạt ở khu vực biển Vũng Áng là do “yếu tố gây độc trong môi trường nước”.[4]
  • Theo ông Phạm Khánh Ly – Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đang cùng đoàn kiểm tra vào các tỉnh miền Trung để tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng cá chết hàng loạt cho biết vào ngày 21 tháng 4, những nhận định ban đầu của Sở NNPTNT Hà Tĩnh cho là có thể yếu tố gây độc trong môi trường nước là nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết. Người dân cho rằng ô nhiễm nguồn nước do các nhà máy tại khu công nghiệp Vũng Áng, huyện Kỳ Anh xả thải gây độc.[129]
  • Ngày 25 tháng 4, Bộ NN&PTNT phát đi thông báo về ý kiến kết luận của Thứ trưởng Vũ Văn Tám xung quanh vụ cá chết bất thường tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, cho rằng “Nguyên nhân cá chết nhanh bất thường trên diện rộng có thể do độc tố có độc lực mạnh như sinh học, hóa học hoặc các yếu tố khác”. Theo kết quả phân tích ban đầu của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 và Cục Thú y cho thấy cá chết bất thường không có biểu hiện bệnh lý, không tìm thấy tác nhân gây bệnh dịch thông thường, các thông số môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép.[130]
  • GS.TSKH Lê Huy Bá - chuyên gia độc học môi trường, Viện khoa học công nghệ và quản lý môi trường, Đại học Công nghiệp TP.HCM cho là cá chết do những chất cực độc, đồng thời với một lượng lớn và là tổng hợp của các loại chất độc khác nhau. Vì chất độc được phóng thích từ họng xả thải tầng sâu, sát đáy và với tải lượng lớn, nên cá sống ở tầng sâu chết nhiều hơn cá trên tầng nước mặt.[131]
  • Ngày 27 tháng 4, trong một cuộc họp báo kéo dài 10 phút, mà các cơ quan báo chí không có cơ hội để đặt câu hỏi, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, cơ quan chuyên môn đã thống nhất nhận định có hai nhóm nguyên nhân chính. Một là do tác động độc tố hoá học của con người và trên biển. Thứ hai là do tác động của hiện tượng tảo nở hoa hay thủy triều đỏ. Ngoài ra "Hiện chưa thấy mối liên hệ với hoạt động của Formosa và các công ty trong khu vực với tình trạng cá chết hàng loạt này".[132]
  • Theo ý kiến của T.Ư Hội nghề cá Việt Nam gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ: Tài chính, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài nguyên - môi trường, các dấu hiệu của vụ cá chết vừa qua không thấy liên quan đến tảo nở hoa, do không có các dấu hiệu đặc trưng như xác tảo giạt vào bờ gây ô nhiễm, tảo nở dày đặc gây đổi màu nước, cá chết tầng đáy chứ không phải tầng mặt như chết do tảo.[133] Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Tác – Nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, Phó chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Biển Việt Nam, cho biết thêm, nếu như cá tôm chết vì thủy triều đỏ, thì nó phải xuất hiện trước đó khoảng 10 ngày và khi xuất hiện, mặt biển sẽ xuất hiện màu hồng, màu vàng hoặc màu xanh, và sẽ tạo ra mùi tanh, hôi rất đặc trưng.[134]

Thử nghiệm gây tranh cãi

Trong phóng sự thực hiện ngày 26 tháng 4, phóng viên Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC thử nghiệm đặt hai con cá vào một chậu nước được cho là lấy từ khu vực Vũng Áng, được thực hiện cùng thời gian, địa điểm với đoàn cán bộ quan trắc của tỉnh Hà Tĩnh. Cá chết chỉ vài phút sau đó. Sau một ngày, nhiều báo tại Việt Nam và chủ bè cá cáo buộc phóng viên VTC "đưa thông tin sai lệch".[135]

Nghi phạm

Bài chi tiết: Formosa Vũng Áng

Bị nghi ngờ nhất hiện tại là chất độc của chất thải ra biển từ các khu công nghiệp ở vùng này, được nói đến nhiều nhất là Khu kinh tế Vũng Áng với Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.[119]

Formosa là một dự án thuộc lĩnh vực luyện kim (có gắn với cảng biển và sản xuất nhiệt điện tự dùng). Công nghệ của nhà máy thuộc loại lạc hậu (phải sử dụng coke để luyện gang). Quy trình sản xuất gang thuộc loại liên hoàn và liên tục. Khối lượng chất thải các loại (rắn, lỏng, khí) rất lớn, có chứa nhiều chất độc hại, và được thải ra liên tục. Chỉ riêng chất thải lỏng được phê duyệt thải ra môi trường tới hàng chục nghìn m3/ngày.

Thế nhưng, việc quan trắc, giám sát từ phía các cơ quan của nhà nước lại chỉ thực hiện theo chu kỳ. Đặc biệt, việc xử lý các chất cực độc phát sinh từ công nghệ luyện coke-gang-thép đã không được kiểm soát khách quan và liên tục. Đây là một kẽ hở lớn mà chủ đầu tư có thể lợi dụng để chỉ cần trong vòng vài phút có thể thải hết ra biển hàng tấn chất cực độc như Chlorine, Phosphorous acid, Arsenic.[136]

Tuyên bố gây sốc

Ngày 25 tháng 4, trả lời phóng viên báo Tuổi Trẻ về chất thải ra biển, ông Chu Xuân Phàm - trưởng văn phòng Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tại Hà Nội phát biểu: "Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được…" [137]. Chiều 26 tháng 4, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã tổ chức họp báo về việc công ty này xả nước thải ra biển và đã xin lỗi về phát ngôn gây sốc của ông Phàm. Cả ông Phàm cũng có mặt trong buổi họp và cũng xin lỗi về lời nói của mình. Ngày 27 tháng 4, ông Phàm đã bị cho thôi việc.[138]

Hóa chất nhập vào

Ngày 25 tháng 4, ông Hoàng Giật Thuyên - Giám đốc Phòng An toàn Vệ sinh môi trường của Tập đoàn FHS ở Việt Nam - cho biết, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh có nhập 296 tấn hóa chất, gồm 45 loại, trong ba tháng đầu năm 2016 [139], được sử dụng tẩy rửa một số đường ống, cấu kiện hoen rỉ của nhà máy trong công trường [140]. Việc này được Bộ Công Thương (Việt Nam) cấp phép nhập, sau đó mới được thông quan qua Hải quan.[141]

Theo ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương, cả năm 2015 và tính đến thời điểm 2 tháng 5 năm 2016, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nhập khẩu gần 384 tấn hóa chất. Trong đó có 103 loại hóa chất. Riêng từ đầu năm 2016 đến nay, được chấp thuận nhập khẩu 224 tấn hóa chất với 43 loại hóa chất. Từ đầu năm 2016 đến nay, công ty này đã sử dụng khoảng 51 tấn hóa chất, tồn trong kho còn 248 tấn hóa chất.[142]

Nước thải từ quá trình tẩy rửa và thụ động hóa bề mặt kim loại

Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh thừa nhận có việc nhập về lượng lớn chất tẩy rửa, vì khi hoạt động một thời gian dài, phải có chất tẩy rửa để tẩy đường ống, tránh tình trạng tắc nghẽn. Tuy nhiên, không dùng nguyên chất axit mà có pha với nước." [143] Toàn bộ nước thải của công ty đều được tập trung vào khu nhà máy xử lý. Sau khi được xử lý sẽ qua trạm quan trắc tự động. Tại đây trạm quan trắc dữ liệu nước đạt chuẩn sẽ được thải ra biển.[144] Theo quy định của Bộ Tài nguyên - môi trường, khi súc xả đường ống, công ty có trách nhiệm phải thông báo cho địa phương việc súc xả đường ống diễn ra từ thời điểm nào tới thời điểm nào, nhưng công ty không thông báo, cũng không báo cáo các cơ quan ở địa phương về việc súc rửa đường ống.[145]

Danh sách hóa chất công ty nhập về từ đầu năm 2016 do Hải quan Hà Tĩnh cung cấp cho thấy, có ít nhất hai loại hóa chất chuyên dùng để tẩy rửa và thụ động hóa bề mặt kim loại các đường ống, thiết bị trong nhà máy. Nước thải từ quá trình tẩy rửa và thụ động hóa bề mặt kim loại này rất độc hại do chứa các kim loại nặng, do vậy cần phải được xử lý theo quy trình riêng. Tuy nhiên, chi phí cho quá trình xử lý này rất đắt đỏ. Với quy mô nhà máy của công ty, chi phí có thể lên tới 2 triệu USD. Đây là lý do khiến các nhà máy thường bỏ qua khâu xử lý và tìm cách đẩy loại nước thải từ quá trình này thẳng ra môi trường.[146]

Đường ống xả thải ngầm

Hiện nay công ty chỉ có duy nhất một ống xả thải trong khu công nghiệp rộng 1m, dài 1,5 km, nằm sâu dưới lòng biển khoảng 17 m, cách bờ biển 1,5 km, mỗi ngày tập đoàn xả ra 12.000 m3.[143] Về đường ống xả thải ngầm này, ngày 23 tháng 4, bên lề cuộc họp với lãnh đạo 4 tỉnh miền Trung, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định đường ống xả thải của Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã được cấp phép, nhưng ngày 28 tháng 4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khi làm việc với lãnh đạo Formosa, đã khẳng định, luật pháp Việt Nam không cho phép hệ thống xả thải lắp đặt ngầm và đề nghị giám sát hệ thống này.[147][148]

Theo báo Lao động, ngày 14 tháng 7 năm 2014, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường xin cho xây dựng đường ống xả thải ra biển và hơn 1 tháng sau, ngày 26 tháng 8 năm 2014, Tổng cục Môi trường có văn bản chấp thuận cho công ty xả thải ra biển. Như vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ cần hơn 1 tháng để hoàn tất mọi thủ tục từ kiểm tra, tới điều chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường.[149]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cá_chết_hàng_loạt_ở_Việt_Nam_năm_2016 http://baoconggiao.com/vi/news/Van-thu-Thong-bao/T... http://www.bbc.com/vietnamese/multimedia/2016/05/1... http://www.bbc.com/vietnamese/multimedia/2016/05/1... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38158973 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38421139 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39514057 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39554721 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39580683 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39669487 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39893182